Khơi thông thị trường bất động sản: Cần sớm cụ thể hóa luật đất đai, nhà ở
Theo giới chuyên gia, để khơi thông thị trường BĐS, việc quan trọng là cần sớm hoàn thiện thể chế theo hướng ban hành hướng dẫn cụ thể hoá các luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản.
Với việc cùng lúc sửa đổi 4 luật quan trọng liên quan đến bất động sản và đã được Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), giới chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý đều có chung nhận định những bất cập về cơ chế chính sách trước đây đã được tháo gỡ; qua đó “tạo đà” cho nhiều dự án bất động sản, nhà ở xã hội sẽ được khởi công trong năm 2024.
Tuy nhiên để thị trường phát triển tốt hơn, việc quan trọng là cần sớm hoàn thiện thể chế theo hướng ban hành hướng dẫn cụ thể hoá các luật.
Đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) Lê Hoàng Châu cho rằng việc Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) cùng với Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và có hiệu lực đồng thời từ 1/1/2025, đã đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ngoài ra, trong năm 2023, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã có tổ chức nhiều cuộc họp, đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như: Hội nghị tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh, bền vững; Chính phủ ban hành Nghị định 08 về tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản được đáo hạn trái phiếu; Nghị quyết 33 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững…
Với sự nỗ lực trên, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá thị trường bất động sản đang trong tiến trình phục hồi.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính-Tiền tệ Quốc gia, cũng khẳng định 4 luật quan trọng liên quan bất động sản vừa được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 sẽ đồng bộ hóa, nhất quán hóa các chính sách, qua đó tăng tính công khai cho các chính sách để thị trường phát triển minh bạch.
“Sắp tới việc giao dịch qua sàn sẽ được chuyển đổi số, minh bạch thị trường bất động sản. Các luật cũng sẽ giải quyết những tồn đọng trong lịch sử, góp phần khai thác nguồn lực của thị trường bất động sản,” ông Lực nhấn mạnh.
Với nhận định trên, ông Lực đề xuất cần sớm hoàn thiện thể chế theo hướng ban hành hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng,… để sớm đưa luật đi vào cuộc sống.
Nhiều dự án sắp được khởi công xây dựng
Chia sẻ thêm từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Viết Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình, cho hay ngành xây dựng, vật liệu xây dựng với bất động sản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau như “môi” với “răng.” Khi “môi hở thì răng lạnh” – tức bất động sản gặp khó thì ngành xây dựng và vật liệu xây dựng cũng gặp khó khăn.
“Do vậy, khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các Tổ chức tín dụng được thông qua, nhiều áp lực đã được giảm tải. Tôi rất cảm kích về những nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội đã giải quyết những vấn đề doanh nghiệp kêu nhiều năm, quan tâm đến sự tồn vong của doanh nghiệp. Đó là điều chúng tôi rất trân trọng,” ông Lê Viết Hải nhấn mạnh.
Tuy vậy, ông Hải cũng chia sẻ trăn trở về những nỗi lo của doanh nghiệp hiện nay liên quan đến các khoản nợ đến hạn trả của ngân hàng.
“Năm ngoái tôi đại diện cho Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã gửi kiến nghị Thủ tướng, các bộ, ngành và sau đó đã nhận được phản hồi tích cực của Chính phủ về việc cho giãn nợ. Theo đó, Thông tư 02/2013/TT-NHNN về giãn nợ đã giúp cho ngành Xây dựng, vật liệu xây dựng vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động kinh doanh qua đó phát triển lành mạnh thị trường bất động sản,” ông Hải thông tin thêm.
Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng “Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội” đang còn triển khai rất chậm, trong đó nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến luật cần tháo gỡ thì mới thúc đẩy nhanh được. Vì vậy, ông Hải đề xuất cần thu tiền sử dụng đất bình thường, thu tiền trước rồi trả tiền sau đối với những trường hợp đủ điều kiện. Các nhà đầu tư triển khai quy định cung-cầu thị trường.
Về phía Bộ Xây dựng, Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản Hoàng Hải cho biết các vướng mắc pháp lý về đến bất động sản đã tháo gỡ được 70%. Mặc dù Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản tới ngày 1/1/2025 mới có hiệu lực, nhưng về cơ bản năm 2024 sẽ tạo “bước chạy đà” phù hợp cho thị trường.
Lấy ví dụ về nhà ở xã hội, ông Hải khẳng định các vấn đề về quy hoạch, về giá, đối tượng, ưu đãi, quỹ đất, phát triển nguồn vốn cho xã hội,… khi được áp dụng sẽ tạo nguồn cung cao trong thời điểm đang mất cung – cầu về thị trường nhà ở.
“Hiện nay nhà ở cao cấp thì nhiều, nhà ở thu nhập thấp hiện đang còn ít, do đó thị trường này khả năng sẽ sớm tăng tốc khi những thay đổi về Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực. Chúng ta đã có khởi sắc trong năm 2023, thời điểm chúng ta vượt qua sẽ không còn xa,” ông Hải nói.
Dự báo thị trường năm 2024, ông Hải nhận định sẽ có hai điểm sáng, một là bất động sản công nghiệp vì nguồn vốn đầu tư FDI còn rất nhiều, giá thuê bất động sản công nghiệp đang tăng cao. Thứ hai là nhà ở giá vừa phải, nhà ở xã hội có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư.
“Do vậy, năm 2024 sẽ có nhiều dự án khởi công. Chính phủ cũng đã giao 130 nghìn căn hộ nhà ở xã hội sẽ hoàn thành trong năm 2024,” ông Hải lưu ý./.
Nguồn Vietnamplus